(Dân trí) – “Chúng tôi nói với nhau rằng, làm việc tại nhà trường, ngoài nhu cầu phục vụ cuộc sống, còn vì lòng đam mê, tình yêu lớn với nghề”, Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội – cô giáo Khuất Thị Thanh Nhàn chia sẻ.
Từ con số 97 học sinh những ngày đầu thành lập, cho tới nay, sau 14 năm đi vào hoạt động, Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội thu hút trên 2.500 học sinh và trở thành “địa chỉ đỏ” trong khối giáo dục tư thục nói riêng, một trong những ngôi trường chất lượng hàng đầu trong hệ thống giáo dục Thủ đô nói chung. Theo cô, điều gì đã giúp nhà trường có bước nhảy vọt ấn tượng này?
– Hơn 2.500 học sinh là một con số khá lớn so với thời kỳ đầu nhà trường mới thành lập. Tôi nghĩ để làm được điều này không hề dễ dàng và phải hội tụ đủ 3 yếu tố.
Thứ nhất là sự tâm huyết của Ban lãnh đạo nhà trường. Yếu tố thứ hai là sự đồng lòng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ giáo viên cũng như những người trực tiếp làm công tác giảng dạy cho học sinh – một tập thể tâm huyết, sáng tạo, tràn đầy tình yêu nghề, chuyên môn tốt, có tinh thần tận hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao đẹp.
Yếu tố thứ ba là địa điểm trường học thuận lợi, nằm ở vị trí trung tâm quận Thanh Xuân – khu vực có sự phát triển về kinh tế cũng như mật độ đô thị hóa, nguồn dân cư đông, dân trí cao và nhu cầu của phụ huynh cho con theo học ở môi trường phù hợp với tài chính gia đình đi kèm với chất lượng giáo dục ổn định, ưu việt hơn so với các trường trong khu vực.
Chính nhờ sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ Ban lãnh đạo, cán bộ, giáo viên nhà trường đã dẫn dắt “Ngôi Sao Hà Nội” có được ngày hôm nay. Sau 14 năm thành lập, giờ đây chúng tôi không còn khó khăn trong công tác tuyển sinh mà tập trung vào công tác tuyển chọn học sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Yếu tố thứ tư mà tôi nhìn nhận và đánh giá vô cùng quan trọng, đó chính là sự ghi nhận của xã hội, của cộng đồng những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, của các em học sinh Thủ đô qua nhiều thế hệ và đông đảo phụ huynh học sinh Ngôi Sao Hà Nội trong suốt 14 năm qua.
Những ngày đầu mới thành lập, có lẽ bài toán mà nhà trường hướng tới là làm thế nào để thu hút học sinh. Song song với đó cũng cần có sự lựa chọn và thu hút đội ngũ giáo viên chất lượng, đam mê với nghề để phụng sự sự nghiệp giáo dục?
– Việc thu hút giáo viên phải thực hiện song song với tuyển chọn học sinh. Học sinh tốt thì cần giáo viên giỏi và ngược lại, đó là mối quan hệ biện chứng qua lại.
Những năm đầu, Ban lãnh đạo nhà trường đã xác định để đưa Ngôi Sao Hà Nội từ trường mới thành lập với chưa tròn 100 học sinh đến số lượng lớn hơn thì cần sự khác biệt.
Thời điểm đó, học bổng “Ngôi Sao Hà Nội” đã tạo nên sự khác biệt trong hệ thống giáo dục tư thục ở Thủ đô, và tới giờ có rất nhiều trường tổ chức kỳ thi học bổng tương tự. Khi những học sinh có năng lực học tập tốt, được trao học bổng ở một ngôi trường có chất lượng giáo dục được chú trọng, quan tâm thì không có lý do gì mà phụ huynh không lựa chọn cho con em mình theo học cả. Đầu tiên chỉ là số nhỏ học sinh, sau đó có rất nhiều em có tố chất học tập tốt chọn theo học thì nhà trường càng cần thu hút thêm các thầy cô giáo có năng lực xuất sắc để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
Với độ ngũ giáo viên và học sinh chất lượng, cộng thêm sự đầu tư của Ban điều hành, chất lượng học tập cũng như kết quả đầu ra của học sinh thật sự ấn tượng, tạo thành hiệu ứng tốt, tăng thêm sự tin tưởng của phụ huynh với nhà trường. Theo thời gian, mối quan hệ qua lại như tôi chia sẻ giữa học sinh và giáo viên cứ thế được củng cố, hội tụ và tỏa sáng.
Từ việc thu hút học sinh, đến cấp độ cao hơn là chọn lọc học sinh, việc này được nhà trường tổ chức thông qua các kỳ thi tuyển hay bằng phương cách nào?
– Nhà trường tiến hành tuyển sinh đầu cấp với hai nhóm học sinh lớp 1 và lớp 6. Chúng tôi rất vui khi nhận, đón mỗi em học sinh đến với nhà trường. Việc xét tuyển đã được Ban điều hành nghĩ đến khi trường bắt đầu có số lượng học sinh đông dần chứ không phải đợi đến lúc “quá tải”. Khi đó, nhà trường đã xác định muốn xây dựng thương hiệu học tập cũng như tạo ra môi trường giáo dục chất lượng thì phải kiểm soát tốt đầu vào. Từ đó, nhà trường hướng tới việc phải chọn học sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Trong những năm gần đây, số lượng tuyển sinh vào lớp 1 đông gấp 4-5 lần nhu cầu nhà trường có thể đáp ứng được nên chúng tôi thực hiện công tác tuyển sinh rất kỹ theo các quy trình nghiêm ngặt bao gồm các bước: đánh giá năng lực tư duy; Ban giám hiệu gặp gỡ 1-1, trò chuyện với các em như những người bạn để các em có cơ hội thể hiện sở trường, thế mạnh của bản thân.
Thêm vào đó, chúng tôi tổ chức lớp học dành cho các em trải nghiệm cả ngày thứ 7 với các thầy cô trong trường. Trong quá trình tương tác trực tiếp, nhà trường sẽ đánh giá được học sinh có phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường hay không.
Tổng hợp tất cả các hoạt động tương tác của thầy cô, chúng tôi mới đưa ra quyết định tuyển sinh. Nhiều học sinh chưa vào lớp 1 đã đi học chữ trước, ôn hết trung tâm này đến lớp luyện kia nhưng có khi vẫn không trúng tuyển.
Thật ra, nhà trường không đặt ra tiêu chuẩn cao đối với các em, chúng tôi mong muốn được nhận những học sinh phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường. Lớp 6 cũng như vậy, nhà trường tiến hành tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào cho tất cả học sinh đến từ các trường khác nhau trong thành phố.
Chúng tôi rất tự hào khi đề kiểm tra năng lực của “Ngôi Sao Hà Nội” luôn được phụ huynh và các thầy cô giáo tin tưởng và đánh giá cao về chất lượng, còn học sinh thì nhận xét: “khó nhưng mà hay”.
Cô có thể chia sẻ thêm về “màu sắc” riêng của đề thi tuyển chọn đầu vào các cấp ở trường Ngôi Sao Hà Nội?
– Đề thi của nhà trường không quá hướng về học thuật, không mang tính đánh đố. Với môn Toán, chúng tôi hướng đến sự sáng tạo, tư duy linh hoạt, kết nối kiến thức với đời sống thực tế chứ không bó cứng trong một số dạng bài cơ bản. Môn Tiếng Việt, hay Tiếng Anh cũng tương tự, các thầy cô được phân công ra đề đều rất tâm huyết, có sự đầu tư công phu để có thể mang đến cho học sinh những thử thách đủ độ thách thức nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.
Để hình thành nên một ngôi nhà thì việc đầu tiên cần có một bản thiết kế khả thi. Môi trường giáo dục cũng vậy, đầu tiên cần có những triết lý giáo dục phù hợp. Cô có thể chia sẻ về triết lý giáo dục xuyên suốt hệ thống Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Ngôi Sao Hà Nội?
– Triết lý giáo dục mà Ngôi Sao Hà Nội hướng tới đó là “Đạo đức – Nghị lực – Trí tuệ”. Trong đó, nhà trường đưa yếu tố đạo đức lên hàng đầu vì có lấy “đức” là gốc, thì “tài” mới được thể hiện đúng, mới mang lại giá trị tốt đẹp cho bản thân và xã hội.
Một yếu tố quan trọng chi phối sự thành công của mỗi cá nhân nữa là nghị lực. Vì vậy, nhà trường luôn chú trọng rèn giũa cho học sinh ý chí nghị lực trong những việc nhỏ nhất như tuân thủ các quy định về giờ giấc, nguyên tắc lớp học, ý thức tự học ở nhà…
Sau nhiều năm triển khai xây dựng và phát triển nhà trường, tới giờ có thể thấy học sinh Ngôi Sao Hà Nội khá nổi trội về trí tuệ, được đánh giá rất cao trong các kỳ thi trong nước và quốc tế. Thành quả có được ngày hôm nay là một hành trình dài được các thầy cô hun đúc và trao truyền cho các em đạo đức và nghị lực vượt khó trong học tập. Chúng tôi luôn tâm niệm và có niềm tin sâu sắc theo triết lý trên để có những học sinh xuất sắc, có những “Ngôi sao” thật sự.
Ở “Ngôi Sao Hà Nội” có trường hợp nào ghi nhận nghị lực vượt khó?
– Các em theo học tại đây, gia đình đa phần có mức thu nhập trung bình khá trở lên, thế nên hầu như học sinh không phải vượt khó mà là vượt sướng.
Nhiều học sinh ở nhà được bố mẹ chăm sóc đến tận “chân răng”, nhưng khi tiếp nhận các em, chúng tôi vẫn nói với phụ huynh rằng hãy để các em đi bằng đôi chân của mình, tự trải nghiệm, tự làm những thứ có thể làm được thay vì bố mẹ hay người khác vẫn hỗ trợ hàng ngày.
Chúng tôi cũng thẳng thắn trao đổi rằng Ngôi Sao Hà Nội là ngôi trường thuần Việt, không phải trường quốc tế “4-5 sao”, nên phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi cho con nhập học để có sự đồng thuận về môi trường cũng như phương pháp giáo dục các em. Các phụ huynh cho con theo học Ngôi Sao Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc chấp thuận để con vượt sướng, chứ không phải để con được đáp ứng tất cả các nhu cầu theo cách mà ở nhà vẫn được thụ hưởng.
Khi vào học tập tại Ngôi Sao Hà Nội, cô có thể dẫn chứng một ví dụ điển hình nhất về việc các em đã “vượt sướng” ra sao?
– Khi chập chững vào lớp 1, nhiều em học sinh còn không biết tự phục vụ nhu cầu cá nhân. Điều này thật ra cũng dễ hiểu vì trước đó các em được sống trong gia đình có điều kiện kinh tế rất tốt. Nhiều phụ huynh lớp 1 có thể cảm thấy xót xa khi cô giáo yêu cầu con tự đeo cặp vào lớp, tự đi giày, dép khi cha mẹ tới đón hoặc tham gia vệ sinh bàn ăn, vệ sinh lớp học mỗi ngày cùng các bạn. Những việc làm đó rất nhỏ thôi nhưng dưới góc nhìn tích cực, phụ huynh sẽ thấy đó là cách giáo dục thú vị, thực tế, nhưng với một số phụ huynh có thể nhìn nhận nhà trường có phần hơi nghiêm khắc.
Các hoạt động giáo dục nhà trường hướng đến là đào tạo những đứa trẻ tự lập, tự làm được mọi thứ trong khả năng mà sau này sẽ không ai làm thay cho các em cả. Vì vậy, học sinh theo học tại Ngôi Sao Hà Nội sẽ học nhiều hơn, chơi “quần quật” hơn và sẽ biết cách tự phục vụ bản thân một cách chủ động, tích cực. Học sinh Ngôi Sao Hà Nội chưa bao giờ cảm thấy chán đến trường vì ở đây, các em được học, được làm những điều các em thích dưới sự dẫn dắt, tương tác tự nhiên, thân thiện của các thầy cô giáo.
Qua những điều cô giải thích có thể hiểu, “vượt sướng” chính là việc các em vượt qua chính bản thân mình. Tính độc lập và sự tự lập của các em sau khi theo học tại trường đã được hình thành và phát triển như thế nào?
– Mọi người có thể nghĩ chúng tôi khoe khoang học sinh của mình, nhưng sự thật mà nói học sinh “Ngôi Sao Hà Nội” sau khi ra trường, học hết cấp Tiểu học chuyển sang Trung học cơ sở, hoặc hết lớp 9 vào bậc Trung học phổ thông nhận được những phản hồi khiến chúng tôi rất tự hào.
Nhiều em thi đỗ vào các trường chuyên như Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An… đều giữ vị trí “leader” ở lớp học vì rất tự tin và có kỹ năng tổ chức tốt; sẵn sàng đứng lên nhận nhiệm vụ “leader” ngay khi vào lớp học mới. Các em được đánh giá thuộc nhóm học sinh mạnh dạn, tự tin, dám nói, dám làm và dám nhận trách nhiệm. Các thầy cô trường khác nhận ngay ra màu sắc của học sinh “Ngôi Sao” – đó là điều khiến chúng tôi rất hãnh diện. Các em có thể chưa xuất sắc nhất về mặt học thuật nhưng rất tự tin, dám thể hiện bản thân và dám chịu trách nhiệm với những công việc mà mình đảm nhận.
Bên cạnh triết lý giáo dục đầy ấn tượng, nhà trường có hướng đến những giá trị cốt lõi nào khác trong việc đào tạo học sinh của mình?
– 5 giá trị cốt lõi nhà trường hướng đến khi đào tạo và giáo dục các em học sinh, đó là: “Trung thực – Chủ động – Sáng tạo – Xuất sắc – Yêu thương”.
Trong đó tính trung thực được đặt lên đầu với cả giáo viên lẫn học sinh. Sự trung thực của giáo viên sẽ góp phần tạo nên sự tin tưởng, tín nhiệm từ học sinh và phụ huynh. Còn với các em học sinh, chúng tôi tin rằng việc dạy các em sự trung thực, thẳng thắn sẽ giúp các em trở thành những công dân chính trực, nền tảng vững chắc cho sự thành công trong cuộc sống sau này.
Giá trị thứ hai là tính chủ động, bản thân chúng ta là những người trưởng thành, có sự trải nghiệm cuộc sống nên hiểu rất rõ việc gì mình chủ động thì hoàn toàn có thể làm tốt. Ở trường Ngôi Sao Hà Nội, các em được học chương trình lãnh đạo bản thân (LiM). Thói quen sống chủ động được rèn luyện liên tục từ cấp Tiểu học cho tới hết lớp 9. Mỗi một năm học qua đi, phụ huynh có thể nhận thấy sự thay đổi rất tích cực trong nếp sống, thói quen học tập ở con mình. Các em không chờ đợi hay phụ thuộc vào thầy cô, bố mẹ mà luôn biết tự mình đặt ra các mục tiêu, chủ động lập kế hoạch và lựa chọn các giải pháp để thực hiện theo một cách sáng tạo nhất.
Sự sáng tạo là yếu tố rất cần thiết để tạo nên sự xuất sắc, sự khác biệt. Giáo viên chính là người làm gương, người truyền cảm hứng để học sinh tự tin thể hiện sự sáng tạo. Học sinh Ngôi Sao Hà Nội rất giàu ý tưởng trong các hoạt động cũng như học tập. Rất nhiều câu lạc bộ do học sinh dẫn dắt được tổ chức trong nhà trường, thu hút được đông đảo học sinh tham gia.
“Điều gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim”. Đây chính là câu nói mà các thầy cô giáo của chúng tôi luôn ghi nhớ để hợp tác với đồng nghiệp cũng như giao tiếp với học sinh. Yêu thương tạo ra môi trường giáo dục an toàn, đoàn kết, giúp đỡ nhau chân thành. Mỗi em học sinh là một bản thể với tính cách khác nhau, bạn cá tính, bạn nhút nhát, bạn năng nổ, bạn ít nói…, song tất cả các con đều nhận được tình yêu thương, sự đồng hành và dẫn dắt của các thầy cô theo cách phù hợp với mình. Nhà trường cũng đã có những học sinh gặp khó khăn khi tham gia học tập tại trường. Nhưng bằng tình yêu thương của mình, các thầy cô đã đồng hành, giúp các con thể hiện khá tốt năng lực bản thân, mang đến cho các con cảm giác bình yên trong lớp học, không bị phân biệt đối xử.
Nhà trường luôn đề cập đến việc tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, trân trọng sự khác biệt đó vì đó là những mảnh ghép để tạo nên một bức tranh đẹp về văn hóa nhà trường.
Sự xuất sắc là điều ai cũng mong muốn hướng tới và đạt được. Mỗi cá nhân sẽ thể hiện sự xuất sắc theo cách và năng lực riêng của mình. Nhiều cá nhân xuất sắc sẽ tạo nên một tập thể xuất sắc. Minh chứng cho điều này là kết quả đầu ra của học sinh trong hơn một thập kỉ qua, và cũng là thương hiệu và chất lượng đào tạo của nhà trường được cộng đồng ghi nhận. Sự xuất sắc này là thành quả của cả tập thể chứ không chỉ tập trung vào bất kỳ một cá nhân nào. Chúng tôi tự hào chúng tôi đã cùng nhau làm nên sự xuất sắc của một tập thể.
“Tôn trọng sự khác biệt” là một phạm trù khá đặc biệt, điều này có lẽ sẽ góp phần tạo nên tính phản biện trong học sinh khá rõ rệt vì mỗi cá thể lại có bản sắc cá tính riêng?
– Tôi nhận được khá nhiều phản hồi từ giáo viên ở các trường công khi trong lớp có học sinh từng học ở “Ngôi Sao Hà Nội” chuyển cấp sang. Các em được nhận xét rất cá tính và luôn có sự phản biện đối với thầy cô. Phản biện ở đây là đứng trước các vấn đề mà thầy cô đưa ra, các em luôn mạnh dạn trao đổi, phân tích để tìm ra chân lý đúng.
Ở trường, chúng tôi không bao giờ tự cho rằng thầy cô luôn đúng vì chúng tôi hiểu cái “thấy” và cái “biết” của thầy cô cũng có giới hạn; cái “thấy” và cái “biết” của những đứa trẻ lại khác, các em giống như những mầm sống phát triển mỗi ngày.
Bởi vậy, học sinh Ngôi Sao Hà Nội có khả năng tự tin trao đổi từ ý tưởng đến mong muốn một cách mạnh mẽ. Chúng tôi khuyến khích điều đó chứ không kìm hãm. Nhà trường vẫn đang hướng tới việc giao tiếp bình đẳng và tôn trọng giữa học sinh với giáo viên bởi làm được điều đó, thầy cô sẽ nhận được phản hồi thực chất nhất từ các em để chọn cho mình cách tiếp cận hiệu quả nhất khi làm công tác giáo dục thế hệ trẻ hiện nay.
Cá nhân cô đã bao giờ cảm thấy bất ngờ, thậm chí “sốc” khi nhận được sự phản biện từ phía học sinh của mình?
– A0 là lớp đặc biệt ở trường, các em đều rất xuất sắc, sự khác biệt cực kỳ mạnh mẽ. Tôi từng có 4 năm chủ nhiệm lớp A0 nên rất hiểu đây là một tập thể vô cùng thú vị. Mỗi em là một phiên bản độc đáo khác nhau, các em thể hiện sự khác biệt một cách mãnh liệt.
Việc tôn trọng sự khác biệt trong lớp cần được thực hiện như một sứ mệnh. Năm tôi chủ nhiệm lớp 6A0 có một em học sinh rất nghịch, thường xuyên không tuân thủ kỷ luật lớp và tôi chọn biện pháp xử lý mạnh là mời em lên gặp Tổng phụ trách rồi yêu cầu lập biên bản kỷ luật.
Em rất bức xúc và nói “sẽ đề nghị Ban giám hiệu nhà trường cho thôi việc cô Nhàn”. Khi mẹ em nhận được thông tin thì rất lo lắng, hốt hoảng vì cho rằng đó là sự phản ứng vô lễ. Ngược lại tôi cảm thấy cậu trò này rất thú vị, và cũng nhận thấy mình cần phải xem xét lại quá trình xử lý đã hợp lý chưa, có điều gì khiến em cảm thấy ấm ức không? Tôi đã ngồi nói chuyện, lắng nghe cảm xúc của em để tìm ra sự tương tác mềm mại hơn.
Trong quá trình đó, tôi hiểu rằng việc “chạm” đúng, trúng vào nguyện vọng các em sẽ thúc đẩy các em rất nhiều trong học tập lẫn việc tuân thủ kỷ luật. Thoạt nghe có vẻ khó nhưng với những học sinh cá tính, thầy cô cần lắng nghe, yêu thương và trao niềm tin sẽ khiến các em nể phục, tôn trọng và nghe lời. Với tôi, đó là câu chuyện đáng yêu và ấn tượng.
Nhân đây cũng chia sẻ thêm về lời cảm ơn và xin lỗi tại trường “Ngôi Sao Hà Nội”, cất lời cảm ơn thì dễ rồi, và việc thầy cô nói lời xin lỗi học trò là điều rất bình thường và tự nhiên, không phải ngoại lệ hay hiếm gặp. Lời xin lỗi của thầy cô với học sinh không hình thành vết hằn mà sẽ tạo ra sự gắn kết, để các em hiểu rằng thầy cô rất tôn trọng và lắng nghe mình. Khi nhận được lời xin lỗi đúng đắn và chân thành, các em sẽ cảm thấy được thầy cô nhìn nhận mình như một bản thể, một người trưởng thành; các em sẽ tự tin vui vẻ hơn.
Một “màu sắc” nhân văn, ấn tượng rất nổi bật rất khó che giấu ở “Ngôi Sao Hà Nội” chính là các hoạt động thiện nguyện. Giá trị trân quý mang sự yêu thương đó gửi gắm và truyền tải thông điệp gì?
– Các hoạt động thiện nguyện dù lớn hay nhỏ trong mỗi nhà trường đều hướng đến mục tiêu giáo dục cho các em học sinh tinh thần tương thân tương ái.
“Ngôi Sao Hà Nội” cũng vậy, những năm đầu mới thành lập, nhà trường tổ chức hội chợ xuân nho nhỏ dành cho học sinh. Với số tiền quyên góp được, các thầy cô tổ chức cho học sinh đi tặng quà các trung tâm bảo trợ xã hội, thăm hỏi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn,… Những năm gần đây khi quy mô nhà trường lớn hơn, số lượng học sinh đông hơn và số tiền quyên góp sau mỗi dịp tổ chức các hoạt động thiện nguyện cũng nhiều hơn, nhà trường đã nghĩ đến hoạt động thiện nguyện mang tính lâu dài và bền vững.
Thay vì những món quà nhỏ, nhà trường chuyển sang trao tặng các món quà thiết thực hơn như xây dựng điểm trường, xây cầu phục vụ việc đi lại cho học sinh và người dân miền núi.
Tới giờ, nhà trường đã kết hợp xây dựng được 2 điểm trường tại Bắc Kạn và Hà Giang, với 3 cây cầu tràn tại Lạng Sơn.
Để sử dụng hiệu quả số tiền quyên góp được, chúng tôi đã tìm các nhà thầu địa phương có kinh nghiệm triển khai xây dựng với hình thức phù hợp, khả thi và chất lượng nhất. Những năm tiếp theo, chắc chắn nhà trường sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động thiện nguyện này để học sinh và giáo viên được chung tay đóng góp cho cộng đồng, mang đến những đổi thay tốt đẹp cho nhân dân các vùng miền núi xa xôi. Thông qua đó, thầy trò chúng tôi cũng nhắc nhở nhau trân quý hơn những giá trị mình đang được hưởng và vun bồi truyền thống yêu thương không chỉ trong nhà trường mà ở cả ngoài cộng đồng.
Hoạt động thiện nguyện của nhà trường không chỉ giới hạn trong Hội chợ xuân mà còn được thực hiện đều đặn tại các lớp, với các dự án được triển khai bởi chính các em học sinh: nuôi lợn đất, làm các sản phẩm thủ công để gây quỹ…, có lớp còn tổ chức dự án xây bếp ăn cho học sinh vùng cao. Trên tất cả, chúng tôi luôn hướng học sinh về những giá trị xã hội để lan tỏa yêu thương, giúp các em nuôi dưỡng “tính thiện” trong lòng.
Hiện tại, đối với kỳ thi học sinh giỏi các cấp và các sân chơi tri thức uy tín, học sinh “Ngôi Sao Hà Nội” tham gia có nhiều không?
– Điều này đúng thế mạnh của “Ngôi Sao”. Với các kỳ thi quốc tế trong nước và do tổ chức nước ngoài tổ chức, học sinh “Ngôi Sao” luôn mong muốn được thử sức, được thể hiện khả năng, nỗ lực của mình và kết quả là các con luôn nằm trong top những học sinh có thành tích xuất sắc. Ngôi Sao Hà Nội luôn đứng đầu bảng về số lượng học sinh tham gia các kì thi và số lượng giải thưởng. Các kỳ thi văn hóa, thể thao, nghệ thuật hay các cuộc thi phong trào do ngành giáo dục tổ chức học sinh “Ngôi Sao” cũng luôn giữ vị trí top đầu ở cả cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Cô có thể chia sẻ về những định hướng sắp tới của nhà trường?
– Thêm một niềm tự hào không thể không nhắc đến, đó là năm học vừa qua, được sự hỗ trợ tư vấn từ Tập đoàn Giáo dục EQuest – đơn vị Ngôi Sao Hà Nội là thành viên, chúng tôi đã đạt Chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục Cognia (Hoa Kỳ). Đây là dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển của Ngôi Sao Hà Nội, khẳng định vị thế là trường chất lượng cao top đầu Thủ đô, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mặc dù là ngôi trường “thuần Việt”.
Chính vì thế, hành trình phía trước của Ngôi Sao được định hướng kế thừa thành tựu và nỗ lực phát huy thế mạnh để phát triển hơn nữa. Theo đó, chúng tôi cải tạo cơ sở vật chất, tối ưu hóa chương trình học, gia tăng trải nghiệm cho học sinh…
Chúng tôi có thêm nhiều thách thức hơn trên hành trình phía trước. Điều may mắn của Ngôi Sao Hà Nội là chúng tôi có những phụ huynh luôn tường minh, đồng hành cùng nhà trường với sự tin tưởng và hỗ trợ đáng trân trọng. Đội ngũ cán bộ giáo viên – nhân viên của chúng tôi luôn sẵn sàng “mỗi ngày làm tốt hơn ngày hôm qua” để chung tay phát triển mái trường hết đỗi thân thương này.
Cuối cùng, như đã chia sẻ và thêm một lần nữa khẳng định – chúng tôi luôn làm mọi thứ tốt nhất vì những học sinh thân yêu.
Nội dung: Trường Thịnh