Cô Hoàng Thị Thu Phương: “Ánh mắt của học sinh trong giờ học là điều tôi chú ý nhất”

Cô Hoàng Thị Thu Phương: “Ánh mắt của học sinh trong giờ học là điều tôi chú ý nhất”

Sẽ không quá bất ngờ nếu đâu đó tại Ngôi Sao Hà Nội các Hansers trò chuyện với nhau, kể cho nhau nghe các câu chuyện bằng tiếng Anh. Cũng không quá bất ngờ nếu như tại tại các sân khấu, diễn đàn lớn học sinh của Ngôi Sao Hà Nội tự tin đứng thuyết trình một chủ đề bằng Tiếng Anh. Để có được điều đó, thì ngay từ những bài học hàng ngày, những tiết học trên lớp hay những cuộc thi đều được các thầy cô giáo chú trọng triển khai và thực hiện. Cô Hoàng Thị Thu Phương – tổ trưởng Tổ Tiếng Anh khối Tiểu học đã có những chia sẻ thú vị về những dự án học tập sáng tạo. 

Tôi đến với nghề giáo bằng cả niềm đam mê, tình yêu và nhiệt huyết. Đối với tôi, giáo dục đã quan trọng, giáo dục trẻ ở lứa tuổi tiểu học càng quan trọng và thách thức hơn. Mỗi ngày lên lớp, được tiếp xúc với các bạn nhỏ – những thiên thần vừa ngây thơ, nghịch ngợm, lại vừa trong sáng, đáng yêu, tôi hiểu rằng mình đã được lựa chọn để có cơ hội đồng hành và xuất hiện trong cuộc đời các con. Tôi thật may mắn!

 “Nhà giáo – Những người luôn nhìn ra phần con trẻ trong mỗi học sinh, những người luôn nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người đều sở hữu những tài năng đặc biệt để cống hiến cho cuộc đời, những người luôn cổ vũ học sinh hãy là chính mình thay vì tìm mọi cách để hoà nhập.”

Câu nói của nhà văn Lynda Mullaly Hunt – một nhà văn của Mỹ trong cuốn “Con cá trên cây” luôn văng vẳng bên tai tôi. Tôi may mắn khi có cơ hội tiếp xúc với đa dạng mô hình giáo dục trên thế giới, và tôi có một niềm đam mê đặc biệt tìm hiểu về các nền giáo dục ở các quốc gia khác nhau. Tôi còn nhớ mãi những ngày tôi lang thang ở các lớp học ở trường trung học Wodonga – thuộc bang Victoria – Úc. Tôi thực sự cảm thấy hứng thú với  nền giáo dục thiên về thực hành và quan sát trực quan ở đây. Tại Wodonga Middle Years School, tôi choáng ngợp bởi các xưởng dạy nghề, các khu học tập trải nghiệm, giải phẫu sinh học. Một số học sinh đã “sởn cả da gà” khi được tham gia giải phẫu một chú rat (chuột đồng), nào tim, gan, ruột, thận, phổi được phô bày, nghiên cứu, đo tỉ lệ, quan sát nhịp và làm thành báo cáo. Giây phút choáng ngợp ban đầu nhanh chóng được thay thế bởi sự tò mò, thích thú. Học tập qua thực hành quan sát trực quan, theo tôi, là một trong những thế mạnh ở Úc. Phương pháp học tập này đòi hỏi phải có sự đầu tư đầy đủ về công cụ cho học sinh, đảm bảo từng nhóm nhỏ sẽ có đủ dụng cụ cần thiết phục vụ cho việc tự nghiên cứu và rút ra báo cáo cụ thể. Giáo viên chỉ đóng vai trò như một người hướng dẫn (instructor). Sau mỗi giờ học, học sinh nào cũng có sản phẩm cụ thể.

Tôi cũng rất ấn tượng với nền giáo dục hiện đại ở Mỹ, tại đây sách giáo khoa chỉ là một bộ phận nhỏ của chương trình học, sách giáo khoa chỉ như khung xương sườn, như nguồn tham khảo để giáo viên dựa vào mà dạy. Tại Mỹ, khi dạy học, giáo viên truyền đạt những khái niệm (concepts)và kỹ năng (skills) chứ không dạy y hệt bài như trong SGK. Chính vì vậy, giáo viên có cơ hội sáng tạo và đưa nhiều dự án học tập vào quá trình giảng dạy

Từ đó, trong tôi luôn nhen nhóm ý tưởng muốn xây dựng một chương trình tiếng Anh mà ở đó học sinh có cơ hội được thực hành, được học tập thông qua trải nghiệm và điều quan trọng hơn cả là được truyền cảm hứng và yêu thích môn học. Tôi đến với nghề giáo bằng niềm đam mê, chính vì thế, tôi luôn tìm được lý do để tiếp tục và cố gắng tại những thời điểm khó khăn. Vì vậy, tôi tin nếu học sinh đến với môn học bằng niềm yêu thích, các con sẽ có đủ tự tin để thể hiện, đủ kiên nhẫn để cố gắng, đủ đam mê để sáng tạo và cán đích.

 Để tạo thêm cơ hội cho các con được nói tiếng Anh bên ngoài lớp học, tạo một môi trường sử dụng tiếng Anh rộng, tôi đã cùng các cô trong tổ tiếng Anh tiểu học tổ chức một số sân chơi tiếng Anh hữu ích cho các con. Đơn giản chỉ là những cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Anh, dự án đọc tiếng Anh hay cuộc thi đánh vần tiếng Anh. Nhưng quan điểm của tôi là làm đồng loạt và càng cố gắng tạo cơ hội thực hành tiếng Anh cho càng nhiều con học sinh thì kết quả càng tốt. Tôi tin rằng các bạn nhỏ đã có năng lực tốt và niềm yêu thích môn học thì không khó khăn với các con khi tham gia các thử thách tiếng Anh. Nhưng còn các con học sinh hiện đang có năng lực trung bình và khá? Các con cũng muốn được tỏa sáng, được có cơ hội để va chạm hay ít nhất, được xuất hiện như một tâm điểm dù chỉ là một lần. Nhưng từ thâm tâm, tôi hiểu rằng, sau lần xuất hiện đó, các con sẽ còn muốn được xuất hiện thêm nhiều và nhiều lần nữa.

Vậy ai có thể tạo ra cơ hội đó? Đó chính là người thầy –  những người lái đò, truyền cảm hứng cho học sinh. Tôi không tự tin mình là người có quan điểm giáo dục hiện đại, nhưng tôi tin mình là người dám làm và luôn nỗ lực làm tốt điều mình cho là đúng và tốt cho học sinh. Và tôi không ngừng học hỏi, tìm hiểu để đưa thêm nhiều sáng tạo, đổi mới không những trong phương pháp giảng dạy mà còn trong cách thức tiếp cận, tổ chức dự án học tập, sân chơi, kì thi cho học sinh tỏa sáng. Tôi sẽ khoan không bàn tới các chuẩn mực ngôn ngữ vì điều đó là sáng rõ như ban ngày, là những chuẩn mực dù muốn hay không, học sinh đều phải cố gắng để đạt được.

Ánh mắt của học sinh trong giờ học luôn là điều tôi chú ý nhất. Tại sao ở phần đầu tôi đề cập tới việc giáo dục ở bậc tiểu học luôn là thách thức và khó khăn. Vì ánh mắt của các con ở lứa tuổi này thường “không biết” nói dối. Khi thầy cô chạm được vào tâm hồn các con, khi một chương trình học phù hợp và một bối cảnh dạy học thích nghi được với sự thay đổi của xã hội, ánh mắt của con trẻ sẽ thể hiện sự thích thú, hăng say và năng lượng tích cực sẽ được lan toả. Tôi tin, chúng tôi đã và đang đi đúng hướng. Con đường phía trước ở Ngôi Sao Hà Nội là sự nỗ lực, kiên định và hướng đích với tất cả niềm hạnh phúc và đam mê. Tôi sẽ làm việc vì tôi yêu thích và hướng tới lan tỏa niềm hạnh phúc, yêu thích đó tới học sinh và đồng nghiệp!.